Tết Nguyên Đán là dịp thăm viếng và gặp gỡ thân bằng quyến thuộc. Và để có được những ngày xuất hành thuận lợi, việc kiểm tra xe trước Tết khá quan trọng. Vậy những bộ phận trên xe cần kiểm tra trước Tết gồm những gì?
Trong những ngày Tết, hầu hết các xưởng dịch vụ tư nhân lẫn chính hãng đều hoạt động rất hạn chế. Thông thường họ sẽ không làm việc và các nhân viên được cho nghỉ lễ để vui chơi cũng với gia đình. Chính vì vậy nhiều người tranh thủ kiểm tra xe trước Tết nhằm tránh những sự cố không hay, khiến các kế hoạch bị gián đoạn.
Ngoài việc lựa chọn bảo dưỡng và kiểm tra xe trong các gara, chúng ta cũng có thể tự mình kiểm tra những bộ phận trên xe, nếu chưa đến kỳ bảo dưỡng kế tiếp.
Vậy những bộ phận trên xe cần kiểm tra trước Tết gồm những gì?
Nội dung bài viết
Các dung dịch trong khoang động cơ
Dưới nắp capô, có khá nhiều loại dung dịch cần được kiểm tra như dầu động cơ, dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước rửa kính, nước giải nhiệt, dầu hộp số (nếu có)… Các dung dịch này thường được đặt trong các bình chứa và có vạch chỉ thị High – Low giúp người dùng dễ dàng xác định được.
Thông thường nước giải nhiệt hay nước rửa kính chỉ cần châm thêm nếu thiếu hụt. Với dầu trợ lực lái và dầu hộp số, hai loại dầu này thường không bị hao hụt trong điều kiện sử dụng thông thường, và rất ít khi phải thay thế. Do đó, nếu chúng hao hụt lớn, bạn cần có sự tham vấn từ các chuyên viên kỹ thuật, thợ sửa chữa để có các bước kiểm tra sâu hơn.
Với dầu động cơ, nếu đã thay lâu hơn 3 tháng hoặc đã đến chu kỳ bảo dưỡng 5.000 km, bạn cần thay thế trước Tết để đảm bảo xe vận hành ổn định. Ngoài ra, nếu dầu động cơ bị hụt quá nhiều, bạn cũng cần có sự can thiệp từ các chuyên gia hoặc thợ sửa chữa ô tô chuyên nghiệp.
Ngoài ra, nếu bạn đã lâu không thay lọc dầu, thì Tết cũng là dịp bạn nên xem xét thay thế lọc dầu động cơ. Theo khuyến cáo từ các nhà sản xuất, lọc dầu động cơ nên thay thế sau 2 lần bảo dưỡng hoặc 2 lần thay dầu động cơ, với các xe có chu kỳ bảo dưỡng 5.000 km/lần. Với các xe ô tô có chu kỳ bảo dưỡng 10.000 km/lần, thông thường mỗi lần thay dầu động cơ sẽ thay cả lọc dầu động cơ.
Ắc quy
Đây cũng là một trong những bộ phận trên xe cần phải kiểm tra trước Tết. Ắc quy mạnh và ổn định sẽ giúp quá trình khởi động được nhanh chóng. Các chức năng sử dụng điện trên xe cũng có thể hoạt động đúng thiết kế.
Trung bình tuổi thọ của ắc quy từ 2 – 3 năm với điều kiện sử dụng bình thường. Với những xe ít sử dụng, tuổi thọ của một bình ắc quy kéo dài từ 3 – 4 năm. Chúng ta cũng có nhiều phương pháp để phát hiện ắc quy còn tốt hay không? Tuy nhiên cách phổ biến là chúng ta có thể sử dụng đồng hồ vạn năng.
Thiết lập điện áp trên đồng hồ vạn năng ở thang 0 – 50V, đưa que đỏ và que đen lần lượt vào cực dương và cực âm. Nếu đồng hồ hiển thị trong khoảng 12,5 – 12,8V, bình ắc quy vẫn trong trạng thái tốt. Nếu điện áp hiển thị dưới 10V hoặc thấp hơn, bình ắc quy cần sạc lại điện hoặc tuổi thọ đã giảm. Nếu thấp dưới 5V, bình ắc quy của bạn đã cần phải thay thế.
Ngoài ra, bạn cũng cần kiểm tra lại máy phát điện trên ô tô nếu bình ắc quy của bạn thấp hơn 10V. Máy phát điện trên ô tô cũng có thể kiểm tra bằng đồng hồ vạn năng. Bạn có thể nhờ một người đạp ga từ vòng tua máy không tải lên khoảng 2.000 vòng/phút.
Nếu đồng hồ hiển thị từ 13,5 – 14,5V, máy phát điện trên ô tô hoạt động ổn định. Nếu trong khoảng 12,8 – 13V, chắc chắn máy phát điện trên ô tô đang gặp vấn đề. Ắc quy có thể không được sạc đủ điện và có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ. Chưa kể các chức năng trên ô tô cũng sẽ hoạt động không đúng thiết kế.
Lốp xe
Lốp xe cũng là một trong những bộ phận trên xe cần kiểm tra trước Tết. Một bộ lốp tốt sẽ giúp các hành trình thuận lợi, giúp bạn an tâm di chuyển trên đường cao tốc, đường xấu, hoặc đường đất, đường đá dăm khi về thăm người thân ở quê hoặc ngoài thành phố.
Có 2 yếu tố chúng ta cần đảm bảo với một bộ lốp bao gồm độ mòn và áp suất.
Để kiểm tra độ mòn của lốp, chúng ta có thể thông qua các vạch chỉ thị thường được đặt ngay các rãnh lốp. Nếu độ cao gai lốp đã mòn đến vạch này, chúng ta cần phải thay thế ngay trước khi quá mòn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần kiểm tra độ mòn đồng đều của lốp để tiến hành đảo lốp kịp thời.
Thông thường cứ mỗi 10.000 km, chúng ta sẽ đảo lốp một lần theo thứ tự trước ra sau hoặc chéo từ trong ra ngoài và ngược lại… Tùy theo thiết kế của hệ thống dẫn động và trang bị lốp dự phòng mà chúng ta sẽ có phương án đảo lốp khác nhau.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên chú ý đến tuổi thọ của lốp xe. Nếu lốp đã sử dụng trong khoảng 50.000 – 70.000 km, hoặc lốp đã sử dụng liên tục trên 7 năm, bạn nên thay lốp để đảm bảo độ bám đường cũng như mức tiêu hao nhiên liệu của động cơ.
Về áp suất lốp, chúng ta cũng nên kiểm tra thường xuyên trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là các hành trình có sử dụng cao tốc. Xe đạt áp suất tiêu chuẩn theo thiết kế sẽ giúp xe hoạt động ổn định khi vào cua, quãng đường phanh ngắn và xe hoạt động êm ái. Việc sử dụng xe với lốp quá căng hoặc quá non sẽ khiến lốp mòn không đồng đều. Lốp non cũng dễ bị nổ lốp khi di chuyển trên cao tốc.
Hệ thống phanh
Ngoài kiểm tra dầu phanh ở trên, chúng ta cũng nên kiểm tra hệ thống phanh để chắc chắn không gặp bất kỳ sự cố nào đáng tiếc. Đặc biệt, khi di chuyển nhiều trên các cung đường đèo dốc, hệ thống phanh trên xe ô tô là cực kỳ quan trọng.
Chúng ta nên kiểm tra xem có bất kỳ dị vật nào chèn ép hệ thống phanh, bề mặt đĩa phanh có các vết xước bất thường hay không? Khi xe di chuyển, hệ thống phanh có bất kỳ tiếng kêu nào khi phanh hoặc nhả phanh?
Ngoài ra, chúng ta cũng chú ý đến hành trình chân phanh có êm ái hay bị giật, khựng; quãng đường phanh có bị trượt dài thường xuyên, không theo dự định của người lái; hay xe có bị xô, lạng sang 2 bên khi phanh…
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng ta nên kiểm tra hệ thống phanh mỗi 40.000 km hoặc 2 năm tùy theo điều kiện nào đến trước. Và nên tiến hành thay thế ngay khi xuất hiện bất kỳ hiện tượng nào kể trên.
Trang bị tiện nghi
Các hệ điều hòa và giải trí trên xe cũng cần được kiểm tra để chắc chắn các chức năng này hoạt động bình thường. Ngoài ra, một số tính năng sử dụng điện trên xe cũng cần được kiểm tra độ ổn định. Ví dụ như đèn pha, đèn sương mù, gương chỉnh điện, kính chỉnh điện…
Ngoài ra, kiểm tra hộp cầu chì trong khoang cabin và dưới nắp capô cũng giúp chúng ta phát hiện được các tính năng đang gặp vấn đề, cũng như các tính năng đang hoạt động ổn định.